Long An: Vùng đất đầu tư tiềm năng.

Với vị trí liền kề Tp.HCM, hạ tầng tốt, giao thông thuận lợi, nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư cùng thủ tục hành chính được hỗ trợ nhanh chóng là những yếu tố cốt lõi giúp Long An “được lòng” các nhà đầu tư trong thời gian vừa qua.

Điểm đến giàu tiềm năng.

Long An được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng phát triển, bởi nơi đây là cửa ngõ nối TP.HCM và miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Hiện tại, toàn tỉnh Long An có hơn 40 quốc gia đang hoạt động sản xuất và kinh doanh với 1.162 dự án, tổng vốn đầu tư gần 10,1 tỉ USD.

Các nguồn vốn FDI tại Long An tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, đây cũng là địa phương top đầu trong thu hút vốn FDI tại khu vực ĐBSCL. Theo thống kê, Long An có 15.374 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 364.347 tỉ đồng. Ngoài ra, có khoảng 2.167 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 218.881 tỉ đồng.

Long An: Vùng đất đầu tư tiềm năng.
UBND tỉnh Long An tổ chức gặp gỡ các cơ quan ngoại giao, hiệp hội và doanh nghiệp đầu năm 2023.

Để đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp, UBND tỉnh Long An luôn cải thiện và đưa ra những giải pháp tích cực như: cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân. Cũng như, triển khai đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI), nhằm khảo sát và đánh giá chính xác năng lực sở, ban ngành từ tỉnh đến địa phương cũng như thái độ và chất lượng trong hướng dẫn, giải quyết với doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, Long An cũng tập trung xử lý vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội tỉnh.

Long An trung tâm phát triển kinh tế năng động.

Long An đã thực hiện công tác lập bản Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch được Hội đồng Thẩm định đánh giá cao và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch, Long An sẽ phát triển phù hợp với các chiến lược, kinh tế- xã hội của vùng và quốc gia.

Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế phát triển bền vững dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và đổi mới khoa học công nghệ và là cửa ngõ kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Quy hoạch nêu rõ, cấu trúc không gian tỉnh Long An được dựa trên các hành lang kinh tế chính liên kết với TP. Hồ Chí Minh, vùng ĐBSCL và điều kiện phát triển của địa phương. Bao gồm 02 hành lang – 01 trung tâm – 01 vùng – 06 trục động lực. Nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế tạo dựng các trung tâm, hình thành các vùng chức năng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Long An.

Trong giai đoạn 2021 – 2030, Long An đã xác định mục tiêu cụ thể, trong đó, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 9%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tỷ trọng đóng góp của khu vực vào giá trị gia tăng của nền kinh tế là nông nghiệp 7%, công nghiệp – xây dựng 64% và dịch vụ 29%, tạo thêm 30.000-35.000 việc làm/năm, tỉnh chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ…

Long An: Vùng đất đầu tư tiềm năng.
Long An sẽ tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ…

Để triển khai thành công kế hoạch, Long An mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò xung kích trong công cuộc phát triển kinh tế, cũng như tích cực quảng bá tỉnh đến bạn bè thế giới và là cầu nối kết nối những đối tác tin cậy, tiềm năng đến đầu tư vào Long An.

Ông Nguyễn Văn Út – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Long An luôn cam kết ổn định chính trị – xã hội, cải cách hành chính, triển khai các cam kết quốc tế nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là yếu tố giúp Long An thu hút nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua.