Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời UBND tỉnh Long An về đề nghị đầu tư xây dựng Quốc lộ N1 trong giai đoạn 2026 – 2030. Tuy chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư vào quốc lộ N1 đoạn qua Long An, nhưng Bộ sẽ tập trung mọi nguồn vốn nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đầu tư ba dự án ưu tiên trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng.
Tập trung mọi nguồn lực để “hồi sinh” 3 dự án ưu tiên.
Theo Bộ GTVT, tại quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quốc lộ N1 có tổng chiều dài 235km, quy mô quy hoạch từ 2 – 4 làn xe đi qua địa phận của các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Tuyến đường có nhiệm vụ giảm lưu lượng phương tiện trên tuyến N2 (đường Hồ Chí Minh) hiện đang quá tải, nên việc đầu tư là rất cần thiết.
Hiện tại, chỉ có đoạn từ Châu Đốc – Hà Tiên đã được đầu tư theo quy hoạch, các đoạn còn lại trong đó có đoạn qua Long An dài khoảng 100km đang khai thác gián đoạn trên cơ sở tận dụng các tuyến đường địa phương với quy mô nhỏ hẹp.
Bộ GTVT cho biết, do nguồn ngân sách hạn hẹp nên sẽ ưu tiên đầu tư trước 3 dự án với tổng mức đầu tư khoảng hơn 12.500 tỷ đồng.
Ba dự án đầu tư cụ thể gồm:
Một là dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 62, N2 dài 77km với tổng đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án được nâng cấp cải tạo với quy mô cấp III đồng bằng, với 2 làn xe và vận tốc cho phép 80km/h. Thời gian thực hiện khoảng 4 năm, dự kiến từ năm 2024 – 2027.
Hai là dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Long An có chiều dài 7km, tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng
Đường Vành đai 3 được phê duyệt từ năm 2011 nhưng sau 10 năm mới được hồi sinh do thiếu hụt nguồn vốn. Đến ngày 16/06/2022 dự án mới được Quốc hội chính thức thông qua.
Dự án vành đai 3 có tổng chiểu dài hơn 76 km, với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 75.000 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua 4 địa phương gồm: Tp.HCM (47,5km), Đồng Nai (hơn 11km), Long An (7km) và Bình Dương 10,7km.
Tuyến đường có quy mô gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế, đường song hành mỗi bên 2 -3 làn xe. Giai đoạn 1, dự án được phân chia 8 phần giao về cho các địa phương thực hiện. Dự kiến dự án hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đường vành đai 3 hoàn thành giúp giảm tải ùn tắc giao thông nội ô TP.HCM, đồng thời tăng cường kết nối các đô thị lại với nhau là đòn bẩy giúp nền kinh tế phát triển.
Ba là dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa, đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 21km, tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng.
Tổng chiều dài dự án khoảng 73km, được khởi công vào 2009 đến năm 2011 thì bị đình chỉ thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 24/02/2011) của Chính phủ. Hiện tại, sau khoảng 12 năm “chật vật” do thiếu nguồn vốn, dự án đã được tái khởi động trở lại, dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2023 và hoàn thành năm 2025.
Hiện tại, Bộ GT- VT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 để xem xét, tổng hợp nhu cầu đầu tư dự án theo mức độ ưu tiên và điều kiện nguồn lực được phân bổ.
Trước mắt, Bộ sẽ giao Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường duy tu, sửa chữa từ nguồn vốn bảo trì đường bộ để đảm bảo khai thác an toàn.