PGS. TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, thời gian tới sẽ có nhiều yếu tố làm thị trường bất động sản. Sau đây là 7 yếu tố tác động mạnh nhất làm thay đổi cấu trúc thị trường này.
Thứ 1: Sự dịch chuyển lao động về phía công nghiệp và đô thị.
Nhu cầu nhà ở có mối quan hệ mật thiết đến số lượng dân cư đô thị và thu nhập sẽ gia tăng mạnh. Trước đây, đa phần chúng ta chưa tập trung nhiều đến đô thị hóa, thường chỉ tập trung vào công nghiệp hóa. Hầu như đã bỏ quên phân khúc nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp.
Thực tại, nhà ở của người dân đô thị và lao động tại các khu công nghiệp chưa được quan tâm nhiều. Trong thời gian tới, khi công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ thì nhu cầu nhà ở, các chung cư cũng sẽ gia tăng. Xu thế này cần được nhận diện rõ.
Thứ 2: Quy hoạch đô thị sẽ tạo lập giá trị cho bất động sản.
Đầu tư công và hoàn thiện, cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ hơn sẽ tạo những động lực mới cho bất động sản nhà ở đô thị.
Các khu đại đô thị mới quy hoạch bài bản có vị trí nằm trong kết nối vùng sẽ tạo nên giá trị mới cho bất động sản nhà ở.
Thứ 3: Xu hướng đầu cơ làm ảnh hưởng đến thị trường sẽ được giải quyết triệt để.
Các sản phẩm biệt thự, nhà phố, condotel bị đầu cơ nhưng không có người đến ở sẽ được giải quyết triệt để hơn. Sản phẩm này sẽ được đánh giá lại nhu cầu ở thực một cách nghiêm túc hơn. Bởi nếu xu hướng đầu cơ quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và tâm lý của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đầu cơ không xấu, đây còn là kênh xử lý cung – cầu hiệu quả. Nhưng nếu trở thành xu thế chủ đạo, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, chi phối hành vi kinh doanh. Chính vì thế, thời gian này sẽ ưu tiên các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư thực, nhu cầu thực. Bởi dự án tốt, chủ đầu tư uy tín, đáp ứng nhu cầu thực sẽ giúp sản phẩm thanh khoản tốt và giá sẽ tăng.
Thứ 4: Xu hướng mở biên đô thị ra xa trung tâm.
Theo thống kê, mật độ dân số Việt Nam gấp ba lần mật độ dân số Trung Quốc, cao gấp nhiều lần các quốc gia trên thế giới. Chính vì thế quỹ đất đô thị đang thiếu trầm trọng, nhất là tại 2 đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM. Do đó, xu hướng mở biên ra đô thị ra xa trung tâm là điều tất yếu và cần được triển khai nhanh.
Thứ 5: Xu hướng dịch chuyển các khu công nghiệp.
Các nhà máy, các khu công nghiệp sẽ được dịch chuyển ra ngoài trung tâm nội đô. Cần xác định rõ định nghĩa phát triển đô thị ly tâm và hướng tâm, các hệ quả, hệ lụy phát triển để có những quyết định quy hoạch phát triển đúng đắn, trách tình trạng phát triển đô thị ngoài biên nhưng không giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông.
Thứ 6: Xung lực mới từ lực lượng đầu tư nước ngoài.
Lực lượng đầu tư nước ngoài và kiều hối là những xung lực mới cho thị trường nhà ở. Vì thế, chúng ta cần đo lường chính xác cấu trúc của lượng kiều hối rồi dịch chuyển vào các từng lĩnh vực cho phù hợp. Bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng, dịch vụ, bất động sản…Đồng thời, cần xác định rõ nguồn vốn dài hạn để phục vụ cho phát triển nhà ở.
Thứ 7: Chính sách tác động đến nguồn cung.
Hiện tại, hệ thống các chính sách, pháp luật cho bất động sản đang lấy ý kiến và sớm được thông qua. Tuy nhiên, do đất đai ngày càng khan hiếm và mức độ hoàn thiện luật cũng là vấn đề lớn trong phát triển các dự án lớn.
Có thể thấy hiện tại, các nguồn cầu nhà ở từ bình dân đến cao cấp chưa đáp ứng sự gia tăng thu nhập, tầng lớp trung lưu và nhu cầu sở hữu bất động sản. Thời gian tới, chắc chắn sẽ có sự thay đổi mang tính bước ngoặt về đô thị hóa, về cấu trúc công nghiệp và đặc biệt là công nghiệp dịch vụ. Vì thế, cần nhận diện rõ những vấn đề quan trọng thuộc về xu hướng và cấu trúc của thị trường bất động sản để phát triển bền vững.